Được biết đến như là một ứng dụng học ngôn ngữ miễn phí cho tất cả đối tượng, Duolingo nhanh chóng nhận được sự quan tâm và tin tưởng từ người dùng ở khắp nơi trên thế giới. Ngoại hình bắt mắt, thiết kế trải nghiệm học như chơi game, kèm theo đó là những bài giảng ngắn giúp người học học được ở mọi lúc, mọi nơi.
Không phủ nhận được độ đầu tư của Duolingo trong công cuộc thiết kế giao diện và trải nghiệm học an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, liệu nó có phải là yếu tố duy nhất, và đủ hiệu quả để giúp Duolingo vượt mặt các đối thủ của mình, khi hầu hết đây là xu hướng mà các ứng dụng học ngoại ngữ khác cũng đang theo đuổi?
Có 2 yếu tố khác ngoài kề việc “học như chơi” này khiến Duolingo bỏ mặt xa đối thủ, và mình tự tin khi nói rằng nó là hai đóng góp lớn nhất khi CEO của Duolingo, Luis von Ahn, luôn đặt 2 tính năng này lên hàng đầu khi được hỏi đến.
Tính năng thông báo của Duolingo: Không phải là một sự trùng hợp.
Duolingo có một hệ thống AI đằng sau để quyết định xem coi bạn nên được gửi thông báo với nội dung ra sao, và vào lúc nào.
Vào các ngày đầu, Duolingo sẽ liên tục thử nghiệm bằng cách gửi thông báo với các nội dung khác nhau và kiểm tra xem thông báo với nội dung nào có khả năng kéo bạn vào ứng dụng để học hơn. Một khi Duolingo đã có được dữ liệu về hành vi của bạn, chúng sẽ gửi nhiều thông báo với nội dung phù hợp với bạn hơn, có thể gọi là cá nhân hóa, từ đó luôn nhắc bạn học một cách hiệu quả.
Ngoài ra, hệ thống còn tính toán xem đâu sẽ là thời điểm phù hợp nhất để gửi thông báo để nhắc bạn học. Tuy nhiên, sau khi quan sát, thì thường thời điểm thích hợp nhất để Duolingo nhắc bạn học là 24h sau khi thông báo trước đó được gửi. Lí do đơn giản cho việc này là vì nếu hôm qua bạn rảnh ở một khoảng thời gian, thì sẽ có khả năng cao bạn rảnh ở khoảng thời gian tương tự vào ngày hôm nay.
Duolingo học cách để không làm giảm giá trị của thông báo. Chỉ cần sau bảy ngày bạn không vào Duolingo, con cú này sẽ gửi cho bạn lời nói cuối cùng, rằng nó sẽ không gửi thông báo kêu bạn vào học nữa, vì điều này có vẻ không có tác dụng với bạn. Điều này lại mang hiệu quả cực kỳ cao, khi nó gia tăng tỉ lệ người dùng quay lại học đáng kể.
Tại sao Duolingo lại phải đầu tư vào việc gửi thông báo này đến thế? Vì bước quan trọng nhất để bạn bắt đầu học Duolingo là thực sự ấn vào ứng dụng đó. Nội dung bài học của Duolingo rất đơn giản và ngắn - chỉ cần bạn vào được ứng dụng, kiểu gì bạn cũng sẽ hoàn thành ít nhất một bài học vì nó chả tốn là bao. Bạn vẫn có thể hoàn thành bài học Duolingo dẫu bạn có đang không quá tỉnh táo hay không có quá nhiều thời gian.
Chuỗi: Một lửa đã lên, ít ai muốn để nó tắt.
Tính năng thứ hai không thể không kể đến là chuỗi. Một tính năng không quá lạ được thấy trên Tiktok, hay Snapchat. Cái hay của chuỗi là khi người học bắt đầu chuỗi càng lâu, họ càng không muốn bỏ học.
Chuỗi của Duolingo rất dễ để có thể được duy trì. Nếu Tiktok yêu cầu bạn và đối phương gửi một video cho nhau, thì Duolingo yêu cầu học một bài học. Chuỗi là thành tựu dễ đạt nhất ở trong Duolingo, và chúng cũng là thành tựu quan trọng nhất. Chúng là những “small wins” để bơm động lực cho người học.
Chuỗi có vẻ không quá hiệu quả đối với những người mới bắt đầu học Duolingo, nhưng lại cực kỳ hiệu quả với một người đã duy trì được một thời gian, hay là một người học nâng cao. Giả sử bạn đã có một cái chuổi 30 ngày, liệu bạn có dám bỏ chỉ vì không dành nổi 5 phút screentime trong ngày để học? Dù chuỗi không hiệu quả với người mới bắt đầu, điều này sẽ được bù lại bởi tính năng thông báo và động lực bên trong của người học. Chỉ cần giữ người dùng duy trì được 2 tuần, mọi thứ dường như rất khả quan rằng quá trình học này sẽ tiếp diễn khá lâu.
Tương tự như chuỗi Tiktok, nhiều người còn muốn tiếp diễn chuỗi Duolingo để có thể đi khoe được với mọi người như là một thành tựu. Càng tuyệt vời hơn khi bạn đến được cột mốc một số ngày nhất định, thành tựu sẽ đổi màu, khiến bạn cảm thấy mình càng ngày ‘kì cựu’ hơn. Điều này đánh mạnh vào tâm lý và động lực của người học, khi họ sẽ muốn học không chỉ vì giữ vững consistency (mình chưa tìm bản dịch phù hợp), mà là còn để “flex” 😎
Dẫu vậy, học Duolingo có thật sự hiệu quả?
Xem vậy, Duolingo thực sự tập trung nhiều nhất vào việc liệu người học có kiên trì sử dụng ứng dụng mỗi ngày hay không. Điều này cũng dẫn đến nhiều tranh cãi trên mạng về việc liệu học Duolingo có thực sự hiệu quả, hay nó chỉ là một cái “bẫy” được thiết kế để bạn sử dụng ứng dụng nhiều hơn.
Thực ra, tại trang chủ chính của Duolingo đã có riêng một phần bao gồm các nghiên cứu về độ hiệu quả của Duolingo (https://www.duolingo.com/efficacy/studies). Với bản thân là một người chưa sử dụng đủ lâu, mình không thể đưa bất kì bình luận cá nhân nào về việc liệu Duolingo có tốt hay không.
Tuy nhiên, việc học Duolingo có hiệu quả hay không phần lớn còn phụ thuộc vào cách bạn học, cũng như nhu cầu, môi trường dẫn đến tần suất học của bạn ra sao. Duolingo làm rất tốt trong việc biến bài học trở nên nhỏ và dễ để học hơn, nó có một hệ thống để giúp bạn kiên trì học hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là cứ tiếp diễn chuỗi là bạn sẽ tự động biết nói tiếng.
Bạn có thể biến việc học trở nên dễ hơn, thú vị hơn, nhất quán hơn, nhưng mọi thứ này chỉ phục vụ cho trải nghiệm học của bạn. Dẫu điều này sẽ có lợi ích nhất định cho chất lượng học của bạn, chúng không phải là “đường tắc” hay bất kì thứ gì khiến bạn giỏi hơn mà không cần cố gắng.
Đó cũng là lí do tại sao dù Duolingo có kha khá nghiên cứu chứng minh chúng có ảnh hưởng hiệu quả lên trình độ ngôn ngữ của người học, Duolingo không dám nhấn mạnh hay đưa ra bất kì cam kết nào về trình độ ngôn ngữ của học viên sau khi học. Đơn giản là vì Duolingo sau cùng cũng chỉ là một nguồn truy cập tài liệu học về Ngôn ngữ - hiệu quả hay không phần lớn là dựa vào người học ;)
từ góc độ người "chơi" doulingo vài năm trở lại đây( với tần suất không thường xuyên, đã 4 lần rớt streak) thì mình thấy tác động lớn nhất của dou lên mình là vào việc duy trì thói quen học ngoại ngữ hằng ngày, cứ khoảng 9h ( tầm giờ giải lao là mình nhận được lời nhắc) rồi vô làm 1 bài để giữ streak, cái hay là sau đó mình sẽ vô mood check lại mấy cái lỗi sai thêm 5 phút, rồi mình cũng mò sang anki check bộ từ vựng, thành ra cả giờ giải lao mình toàn recall lại từ vựng:)) Dou cũng có chế độ leo rank và phần thưởng cũng cuốn cuốn nữa, nó kiểu giống nguyên tắc tạo lập thói quen là có những phần thưởng nhỏ vậy yeah.