Mình sợ phải nói chuyện 1:1.
Mỗi khi ở cùng với nhiều người hay một nhóm bạn, mình thường sẽ cảm thấy ít áp lực hơn là ở trong một cuộc hội thoại mà chỉ có mỗi mình và một người phía đối diện.
Thường thì chúng mình cũng sẽ chỉ chào, hỏi han nhau vài ba câu đơn giản và cuối cùng là những khoảng không im lặng, gượng gạo và đáng sợ.
Đặc biệt là trong khoảng thời gian trở lại đây, mình càng phải nói chuyện 1:1 nhiều hơn, nên mình quyết định: Học cách nói chuyện 1:1.
Mình đã đọc qua các tài liệu vì sao mình phải nói chuyện 1:1, xem các kỹ thuật nói chuyện của các người mình ngưỡng mộ, và cuối cùng là rút cả thêm trải nghiệm, góc nhìn riêng của mình trong các lần nói chuyện đó.
Cuối cùng, là để học nói chuyện 1:1 với (gần như) bất cứ ai. Mời mọi người xem nhé ;)
Tại sao mình lại phải nói chuyện 1:1?
Nếu nói chuyện với một nhóm 3-4 hoặc nhiều hơn là 2 người, tại sao mình lại phải đối mặt với việc nói chuyện 1:1? Nó mang lại được lợi ích gì? Có đủ để đánh đổi những khoảng không im lặng và khó xử không?
Khi bắt đầu tìm hiểu, mình tìm được rất nhiều lợi ích của việc nói chuyện với người lạ. Rõ hơn, là mình biết đến sự tồn tại của Serendipitous encounters (Các cuộc gặp gỡ tình cờ, vô tình), tức là khi bạn trò chuyện cùng ai đó bên ngoài vòng tròn bạn bè, xã hội của bạn ngoài dự đoán.
Các cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra ở trong một quán cà phê, ở một sự kiện Networking, hay một sự kiện công cộng. Và từ lâu, việc tạo ra các cuộc gặp gỡ vô tình này là một trong những yếu tố rất quan trọng.
Chắc hẳn bạn cũng không xa lạ gì với Thung lũng Silicon, một khu vực tập trung các doanh nghiệp, tập đoàn về công nghệ hàng đầu thế giới.
Tưởng tượng bạn là một người đang tìm kiếm công việc, đối tác, hay người về làm việc cho mình: Một cuộc gặp gỡ tình cờ với ai đó trong khu vực này sẽ tiềm năng đến cỡ nào?
Đây cũng chính là lí do tại sao các nơi này thường ở gần nhau: Họ sẽ dễ dàng hợp tác, tạo ra các mối quan hệ, tìm kiếm người để phát triển cơ hội của mình tốt hơn.
Bạn còn có thể chú ý được hai trường đại học danh giá nằm trong top nước Mỹ lẫn thế giới: Stanford và đại học Berkeley. Việc có các cơ sở tập đoàn hay doanh nghiệp được thành lập vây quanh những trường đại học top không là một chuyện hiếm thấy, vì họ tin rằng mình sẽ tìm được những con người phù hợp từ những người đại học top này.
Vì thế, từ lâu con người đã chú ý đến tiềm năng của Serendipitous encounters: Chúng là một trong những yếu tố xác định sự sáng tạo và thành công. Việc tiếp xúc với những người mới sẽ mang lại cho bạn các góc nhìn, ý tưởng, hay thậm chí là cơ hội hợp tác đổi đời.
Đó cũng là lí do tại sao ta lại có hiện tượng trên: ở gần nhau hết mức có thể, để các cuộc gặp gỡ tình cờ trở nên tiềm năng, dễ thành công hơn.
Như thế chắc cũng đã đủ đề mình hiểu rõ hơn tại sao mình phải nói chuyện với người lạ. Chúng mang lại cho bạn cơ hội, ý tưởng mới. Và trong hầu hết các cuộc gặp gỡ tình cờ, bạn sẽ chỉ nói chuyện với một người duy nhất, hoặc nhiều hơn nếu bạn dám chen vào cuộc nói chuyện của họ (và duy trì nó).
Giờ mình đã hiểu tại sao mình lại phải (và nên) nói chuyện 1:1 thường xuyên đến thế. Điều này càng khiến mình trở nên chắc chắn rằng mình phải học nó, để các khoảng không im lặng và đáng sợ không lấy mất đi cơ hội của mình.
Cách nói chuyện 1:1, và với người lạ.
Sau khi đọc và tìm hiểu qua các bài viết của chuyên gia, cho tới tham khảo video phỏng vấn của một kênh Youtube mình rất thích - Answer In Progress, mình đã rút được những gì nên chuẩn bị khi nói chuyện 1:1.
Tất nhiên, mình đã không thêm hết những gì mình đọc được, mà lựa chọn và chỉnh sửa dựa trên cả trải nghiệm của mình.
Các cách này sẽ được trình bày theo thứ tự Pre-talking (trước khi nói chuyện), talking (trong khi nói chuyện), và Post-talking (sau khi nói chuyện).
Pre-talking (trước khi nói chuyện)
Bạn càng tưởng tượng được buổi nói chuyện này sẽ nói về gì thì cuộc trò chuyện này càng suôn sẻ. Điều này không có nghĩa là cuộc trò chuyện của bạn hoàn toàn có thể như dự đoán – vì hầu hết chúng không xảy ra đối với mình : ).
Mục tiêu của việc chuẩn bị tốt có thể tiết kiệm được thời gian nói chuyện 1:1. Mục tiêu này có thể đạt được thông qua các bước sau:
Xác định mục tiêu của buổi nói chuyện
Chuẩn bị sẵn câu hỏi để hỏi (ít nhất 5 câu)
Chuẩn bị sẵn các câu opening lines (hỏi thăm dạo đầu 👀)
Đảm bảo đúng nơi, đúng thời điểm: Thời gian đó cả hai người đều không vướng gì, và họ biết phải vào đâu để gặp bạn khi tới giờ.
Đảm bảo người mình nói chuyện cùng biết những gì họ cần: chủ đề, các câu hỏi, thông tin gặp mặt
Hầu hết các công việc Pre-talking này sẽ được thực hiện nhiều hơn khi bạn gặp mặt với ai đó Online. Trừ khi bạn vô tình gặp họ thì cần nhiều ứng biến đời thật hơn, hãy đảm bảo người nói chuyện cùng bạn được cảm giác an toàn trước khi vào buổi nói chuyện.
Họ cũng như bạn: Cũng sợ các khoảng không im lặng, cũng sợ không có gì để nói. Họ cũng cần chuẩn bị.
Talking (trong buổi nói chuyện)
Chuẩn bị tinh thần làm chủ cuộc hội thoại
Biểu cảm khuôn mặt: luôn nhìn mắt người nói, cười niềm nở, gật đầu
Lắng nghe và đặt câu hỏi follow-up
Be personal
Nếu rơi vào khoảng không im lặng, hãy luôn tự nguyện làm người phá vỡ bầu không khí đó. Tính chủ động khi nói chuyện chính là chìa khóa để nói chuyện được với bất kỳ ai.
Ở trong một bài viết phân tích về cách nói chuyện của chị Thùy Minh (Have a Sip), mình thích nhất chính là cách chị dễ dàng nối tiếp cuộc hội thoại bằng cách lồng trải nghiệm cá nhân và dẫn đường đối phương tới câu hỏi mới.
“Ví dụ như trong tập Have A Sip có nhà báo Trương Anh Ngọc. Khi anh Anh Ngọc kể chuyện mình quyết tâm đi Ý vì muốn được tiếp cận với những sân cỏ thế giới thay vì chỉ bình luận bóng đá trong căn phòng 10m2.
Thùy Minh hoàn toàn có thể hỏi: _"Anh có vẻ là một người thích trải nghiệm nhỉ?"_ Chắc anh Trương Anh Ngọc sẽ nói _"Ừ"_ rồi kể thêm vài thành tích. Và thế là hết.
Nhưng thay vào đó, host đã nói: _"Khi nói chuyện với anh, có một từ xoẹt qua đầu em, đó là bộ phim tên là Yes Man - kể về một người đàn ông lúc nào cũng nói có. Anh có vẻ là người luôn nói Yes khi có một cơ hội xảy ra. Đúng hay sai?"_ Thế là sau đó Trương Anh Ngọc lại được dịp kể thêm về nhiều góc độ khác như anh không chờ đợi mà anh tự tạo ra cơ hội, anh đã từ chối cơ hội làm COCC như thế nào.”
Việc tập trung lắng nghe và chủ động tương tác với cuộc hội thoại chính là cách để khiến đối phương cảm thấy thoải mái và muốn chia sẻ thêm 😉
Ngoài ra, để khai thác được nhiều hơn từ buổi hội thoại, hãy trở nên cá nhân hơn một chút. Sẵn sàng chia sẻ những dự án mình đang thực hiện (nếu được), kể về tình hình của mình ra sao và họ giúp được mình chỗ nào, và cho họ không gian để làm điều tương tự.
Post-talking (Kết thúc và sau buổi trò chuyện)
Ra hiệu rằng buổi nói chuyện đã kết thúc
Xin "bài tập về nhà"
Xem thử mình có giúp được họ chỗ nào không
Đảm bảo cả hai có thể kết nối lại trong tương lai
Cảm ơn
Một tâm lý mình hay gặp khi nói chuyện với người khác chính là không cho phép cuộc nói chuyện bước ra khỏi chính nó.
Không nghĩ mình giúp được gì cho họ là một. Không cho phép cuộc hội thoại được bắt đầu lại trong tương lai là hai. Không tử tế là ba.
Trước khi kết thúc hội thoại, mình thường ra hiệu như "đây là x cuối cùng," "cảm ơn x rất nhiều vì đã," hoặc làm các bước sau đó là cũng đủ để họ biết cả hai đã sẵn sàng tạm biệt nhauu.
Xin họ "bài tập về nhà” - reference, bất kì nguồn đọc, nơi họ học các lĩnh vực chuyên môn, hay bất kì thông tin nào bạn có thể tìm hiểu sau nếu trong cuộc hội thoại có đề cập đến. Điều này không chỉ giúp bạn được tìm hiểu sâu hơn về những gì họ làm hay về họ, mà còn cho bạn cơ hội để bắt chuyện lại với họ.
Hỏi xem mình có giúp được gì họ không. Cơ hội đến rất không mong đợi, và hãy để nó diễn ra. Dù bạn có tự ti ra sao, hãy cứ tự hỏi liệu với những gì họ đang làm, mình có hỗ trợ, giúp được phần nào không. Lỡ đâu đó lại là cơ hội lớn cho bạn.
Ngoài ra, đảm bảo họ đã có thông tin cá nhân của bạn: Gmail, số điện thoại, Facebook và ngược lại. Việc xin lại thông tin liên lạc này còn là một cách rất hoàn hảo để kết thúc cuộc hội thoại 😶🌫️
Tổng kết
Mình tin rằng sau trải nghiệm học này, mình vẫn sẽ rất tệ ở việc nói chuyện. Tuy nhiên, ít nhất mình cũng đã biết được những gì cần làm để khiến trải nghiệm hoàn chỉnh hơn.
Để có thể khiến nó tốt hơn nữa, không có cách nào ngoài việc luyện tập, luyện tập, và luyện tập. Mình muốn được trở nên tốt hơn ở nó. Dù là đối thoại với đồng nghiệp, bạn bè, chuyên gia, hay người lạ, mình tin mình sẽ học được rất nhiều từ cuộc đối thoại đó.
Vì thế, hãy đảm bảo trải nghiệm đó thật trọn vẹn, và đảm bảo bạn học được nhiều nhất có thể ^^.
References:
- Phân tích kỹ thuật bắt chuyện với BẤT CỨ AI
- Networking When You Hate Talking to Strangers.
- The Unexpected Upside Of Talking to Strangers.
Hi anh/chị, em vừa mới tập đọc substack lại gần đây, và em cảm giác rất vui khi được mở đầu hành trình bằng một bài viết thú vị thế này ạ.
Em là một đứa ít nói và không nói chuyện phiếm được. Em nghĩ mình cần tập trò chuyện cùng mọi người nhiều hơn. Em dự định thay đổi bằng cách chủ động bắt chuyện với anh grab, chị bán cơm... Và em cũng tìm cơ hội gặp gỡ, hẹn cà phê với những người bạn đại học mà mình quý. Em có xem qua podcast của a Việt Anh và CCMK, một chân lý mà em hay quên đó là nếu cuộc đời bạn sâu sắc thì cuộc đời người khác cũng vậy thôi - hãy tập lắng nghe, hãy tận dụng mọi điểm chạm để nảy sinh cơ hội tìm hiểu lẫn nhau.
Những bài học về 3 giai đoạn trò chuyện 1:1 của anh/chị giúp em tiếp cận vấn đề dễ hiểu và thực hành hiệu quả hơn nhiều ạ.
Em rất thích những nội dung có tính hệ thống hoá kiến thức cao - mong được đọc thêm nhiều bài học rất "personal" như thế này ạ.
Chúc anh/chị đầu tuần vui vẻ. 💟
một bài viết rất thú vị :33 thanks Khởi đã cho một người dở nói như mình cơ hội để "thử" mấy tips này xem hihi