Series 5 ngày học ghi chú trên Obsidian - Ngày 1
Move-in, 2 tư duy cần phải có ghi set-up nền tảng quản lý ghi chú
Xin chào mọi người. Lợi dụng thử thách 30 ngày viết Blog, mình sẽ làm một series nhỏ mà mình đã luôn rất muốn viết nhưng vẫn chưa có dịp: Cách set-up/ sử dụng Obsidian dành cho người mới.
Lần đầu mình tải Obsidian về, mình đã xóa ngay sau 2 tiếng thử mò mẫn. Mãi cho tới 3 tháng sau đó, mình quyết tải về và chinh phục ứng dụng này cho bằng được. Kết quả là mình đã hoàn thành set-up đầu tay sau… 2 tuần.
Vậy nên mỗi khi nghe ai chia sẻ về việc thử Obsidian rồi bỏ/còn chưa dám xài lại, mình hoàn toàn cảm thấy rất đồng cảm và hiểu được nỗi đau đó :)))) Thế nên mình series này ra đời.
Ở trong series này, mình sẽ viết tổng cộng 5 bài viết tượng trưng cho năm ngày học sử dụng, hay hơn nữa là chuyển biến Obsidian thành nền tảng ghi chú của riêng mình. Trong xuyên suốt series này mình sẽ đều viết dựa trên trải nghiệm cá nhân, vì vậy nếu bạn có gì muốn đóng góp, hãy tự nhiên để ở dưới phần bình luận nhé ^^.
Oke, hãy bắt đầu thôi!
Điều đầu tiên khi tải Obsidian về: Move in.
Khi tải Obsidian về và nhìn chiếc giao diện mới toanh, mình có hai cảm xúc duy nhất: 1. Ôi nhìn tuyệt quá và 2. Rồi sao nữa?
Để tránh rơi vào cái bẫy dành 30 phút ngồi đi qua đi lại ở các phần Setting của Obsidian, bạn hãy bắt đầu sử dụng nó luôn bằng cách di chuyển các ghi chú trước đó của mình vào.
Mình biết sẽ có rất nhiều người có sẵn ở các nền tảng khác, nên điều đầu tiên đó chính là bạn duy chuyển một vài (không phải tất cả!) thứ ở nền tảng cũ của mình vào trong Obsidian để có thể bắt đầu thực sự sử dụng tính năng ghi chú của Obsidian, thay vì ngồi đọc và tìm hiểu chay.
Một vài “thứ” mình nên bỏ vào Obsidian bao gồm:
Xác nhập mô hình ghi chú
Mô hình ghi chú là hệ thống, hay đúng hơn là cách quản lý cũ của bạn dành cho nền tảng cũ. Nếu bạn lưu trữ ghi chú trên Notion thông qua các thư mục như: Journal, School, Project, bla bla; thì bạn hãy nhập mô hình tương tự vào trong Obsidian
Nếu bạn chưa có mô hình sẵn/không thích mô hình hiện tại của mình, hãy dựa vào những nội dung ghi chú của mình là gì, rồi tạo các thư mục để bắt đầu sắp xếp nó. Mô hình quản lý ghi chú thì thường sẽ có rất nhiều trên mạng, điển hình nhất là PARA. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tham khảo khi thấy cách quản lý cũ của mình chưa ngăn nắp và bạn còn đang bị “bí”
Một điều bạn không nên làm ở trong giai đoạn này: Set-up thư mục cho những thứ mình chưa từng ghi chú.
Ví dụ, mình không viết Journal, hoặc ít nhất là không phải bây giờ, thì mình sẽ không tạo folder cho các ghi chú Journal. Lí do hiện tại là vì bây giờ là khoảng thời gian chúng ta làm quen với nền tảng mới, chứ không phải là một thói quen mới. Mục tiêu của mình đó chính là tập trung vào những đầu việc quan trọng và dễ hành động nhất, tránh cho chúng mình bị phân tâm.
Vậy, sau khi đã lập được mô hình ghi chú cũ của Obsidian, bạn hãy chuyển dần các ghi chú của mình vào trong các thư mục. Mục tiêu của việc này là bạn sẽ có một vài ghi chú để “thử nghiệm” ghi chú trên Obsidian: Format, lưu trữ, kết nối, các tính năng khác. Vì vậy, nếu bạn chưa chắc mình sẽ sử dụng nền tảng này luôn thì không cần phải chuyển hết vào làm gì.
Bắt đầu ghi chú thôi!
What? Hả? Vậy thôi sao
Thật ra thì đúng vậy. Vào ngày đầu tiên, chúng mình muốn bạn chỉ dành thời gian Check-in và “sắp xếp đồ đạc” vào trong chỗ ở mới trước, và đó chỉ nên là mục tiêu duy nhất trong ngày.
Khoảng thời gian còn lại, bạn có thể thử trải nghiệm viết ghi chú chay trên Obsidian mà chưa sử dụng bất kì một tính năng đặc biệt nào khác. Ghi chú chay ở đây đó chính là ghi chú với những tính năng thuần túy nhất: Thư mục (Folder), liên kết ghi chú (Link) với syntax “[[Tên ghi chú muốn được liên kết]]”, và #tags.
Liên kết ghi chú: Khi quản lý ghi chú bằng thư mục, sẽ có nhiều ghi chú có nội dung tương tự nhưng có thể ở khác thư mục của nhau. Bạn có thể liên kết các ghi chú lại để khi tìm được cái này, bạn sẽ tìm được cái còn lại
#tags: Một các sử dụng khác để tìm kiếm các ghi chú cùng (nhiều) chủ đề với nhau (#du_lịch, #giáo_dục, etc.). Mình thì không phải là một fan lớn của việc sử dụng tags, nên sẽ không cho mọi người nhiều lời khuyên bổ ích về cách sử dụng hiệu quả tính năng này được.
Trong khoảng thời gian làm điều đó bạn hãy liệt kê ra một vài vấn đề/mong muốn của mình muốn được khắc phục bởi Obsidian trong quá trình ghi chú. (Ví dụ: Lập template cho ghi chú, tạo và chỉ định folder riêng đề lưu ảnh, etc.)
Danh sách này sẽ đặc biệt quan trọng trong những ngày sau, khi bạn thực sự “ngâm” để ứng dụng các tính năng của Obsidian vào trong mô hình quản lý ghi chú của mình.
Ngoài ra, nếu bạn rảnh và muốn mày mò thêm, bạn có thể cân nhắc:
Chỉnh sửa giao diện Obsidian sao cho thuận mắt: Settings > Appearance
Đổi ngôn ngữ của Obsidian sang tiếng Việt: Settings > General > Language
Đọc và tìm hiểu qua các tính năng chính của Obsidian: Settings > Core Plugin
Lên Facebook và tham gia vào các cộng đồng ghi chú để bắt đầu thấy nhiều bài viết về nó hơn, từ đó chăm sử dụng hơn :))))).
Hai tư duy nên có khi set up/sử dụng Obsidian
Trong các ngày tới khi sử dụng Obsidian, mình thề với bạn, sẽ có rất nhiều thứ xảy ra. Bạn sẽ choáng ngợp bởi độ tuyệt vời của Obsidian: Từ độ đa dạng trong set-up giao diện tới các tính năng trong ghi chú.
Vì thế, mình nghĩ để giảm tối đa khả năng “ngợp” và bỏ, bạn hãy giữ vững trong đầu các tư duy ghi chú sau:
Don’t chase anyone, chase your needs. ( Tạm dịch: Đừng theo đuổi/bắt chước bất kì ai, hãy theo đuổi nhu cầu của chính mình).
Mô hình/set up ghi chú tốt nhất là mô hình được tạo ra cho riêng bạn. Chúng giải quyết được nhu cầu, mong muốn, và những điều kiện đặc biệt của riêng bạn. Vì thế, hãy set up Obsidian theo nhu cầu của mình, chứ không phải vì ham muốn/theo đuổi bất kì ai
Quản lý kiến thức là một chặng đường dài hơi.
Sau 5 bài viết này, bạn sẽ không có được set-up Obsidian hoàn hảo cho riêng mình. Sẽ có ngày bạn phải thay đổi một chút về cấu trúc, mô hình, tìm tính năng mới, hoặc thậm chí… làm lại tất cả.
Điều này hiển nhiên là vì con người luôn luôn thay đổi, và cách ta quản lý ghi chú của mình cũng vậy. Vì thế mong bạn đừng vội hay áp lực bản thân phải hoàn thành set-up xong hệ thống lưu trữ kiến thức trong 1 ngày hay 5 ngày. Tin mình đi, bạn có cả đời để làm thế.Vậy là ngày một đã kết thúc, hi vọng được gặp lại bạn vào ngày sau! Những ngày mà chúng mình sẽ quậy nhiều hơn ;)!
#wotn7 - Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
“bây giờ là khoảng thời gian chúng ta làm quen với nền tảng mới, chứ không phải là một thói quen mới”
Cảm ơn lời nhắc nhở của em 😀