Series 5 ngày học ghi chú trên Obsidian - Ngày 3
Khiến việc ghi chú có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi.
Hú, ngày 3 đã đếnnn. Hi vọng hành trình thiết lập hệ thống ghi chú của bạn vẫn ổn.
Trong ngày hôm nay, chúng mình sẽ “bẻ lái” khỏi Obsidian một chút (hoặc không), đó chính là thiết lập nền tảng để chứa các ghi chú “thô.”
Ghi chú “thô” là gì?
Có bao giờ, bạn có những suy nghĩ chợt thoáng qua và bạn biết mình cần phải viết nó xuống ngay lập tức hay không? Những suy nghĩ đó thường là ý tưởng cá nhân, hay suy nghĩ của mình về một vấn đề bất kì. Nó đến trong chốc lát. Nó là những thứ rất vu vơ, ngắn, dễ hiểu, nhưng lại mang giá trị “rất lớn” đối với mình trong hiện tại. Và ghi bạn chọn viết nó lại, nó trở thành một mảnh ghi chú “thô”
Ghi chú “thô” là những ghi chú được tạo và bắt lại để phục vụ cho mục đích (1) tạm thời hay (2) đợi để chuyển biến thành một ghi chú hoàn chỉnh. Dịch sang tiếng anh, nó được gọi là “Fleeting Notes.”
Fleeting Notes là một phần không thể thiếu trên hành trình ghi chú của bạn. Chúng là điểm bắt đầu đầu tiên của một ghi chú hoàn chỉnh.
Bạn lưu link của một video Youtube, hay một bài viết bạn định sẽ ngâm trong cuối tuần? Là Fleeting Notes.
Bạn lưu ý tưởng cho bài viết, dự án của bạn bất ngờ đến khi đang tắm hay đi bộ? Là Fleeting Notes.
Bạn viết ra danh sách những gì cần mua để một chút nữa đi chợ? Là Fleeting Notes.
Ba ví dụ trên hoàn hảo đề ra 2 tính chất cốt lõi của một ghi chú thô: tính tạm thời và tính tạm bợ.
Ý tưởng cho bài viết, dự án được lưu lại chỉ mang tính tạm thời. Bạn còn cần phải thực sự ngồi lại sau đó để phân tích ra thì mọi thứ mới bắt đầu đơm hoa kết trái. Danh sách đi chợ chỉ chỉ mang tính tạm bợ. Bạn lưu lại chỉ để xài cho một khoảnh khắc sau đó rồi sẽ không cần nữa.
Và cũng vì vậy, Fleeting Notes thường sẽ rất dễ bị trôi đi đúng như bản chất “fleeting” của nó nếu chúng ta không có một hệ thống quản lý và xử lý phù hợp. Ý tưởng đến với bạn có lẽ sẽ rất dễ hiểu trong một thời điểm, nhưng một lúc sau nó sẽ không phù hợp nữa – và phần lớn là vì bạn (1) đã quên bẻng nó đi và (2) bạn không còn ở trong bối cảnh phù hợp để hiểu nó nữa.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn làm một nơi để tổng hợp các ghi chú thô, cũng như một quy trình để ghi chú thô được xử lý hiệu quả.
Thiết lập nơi để tổng hợp các ghi chú thô
Thực chất, nơi tổng hợp các ghi chú thô này có thể là Obsidian, hay bất kì ứng dụng nào. Từ Facebook, Instagram, Messenger, Discord, Notion và rất nhiều những nền tảng khác.
Cá nhân mình thì mình chọn Discord làm nơi để tổng hợp các ghi chú thô này. Sẽ có bạn tự hỏi tại sao không dùng Obsidian luôn cho tiện, thì mình sẽ ngay giải thích ở dưới đây:
Để có thể bắt được các ghi chú thô, nền tảng đó cần thỏa mãn các điều kiện như sau:
Có thể truy cập được ở mọi lúc
Có thể truy cập được ở mọi nơi
Truy cập được đủ nhanh
Là một người xài Obsidian free, thì Obsidian không thỏa mãn được bất kì điều kiện nào như trên. Nếu bạn không biết, thì để Obsidian có thể sync (đồng bộ được ghi chú ở nhiều thiết bị khác nhau), bạn sẽ phải trả tiền. Vì thế, mình chỉ có thể thực sự truy cập được Obsidian ở trên Laptop và mình sẽ không mang laptop của mình theo mọi nơi (Đi chạy, đi tắm, đi tập, etc.)
Tất nhiên, bạn có thể chọn sync bằng nhiều cách như thông qua Google Drive, One Drive, chỉ là mỗi khi bật trên thiết bị khác, mình lại phải đợi để ghi chú ở thiết bị cũ được truyền dần qua thiết bị mới, và điều đó với mình khá bất tiện.
Và vì thế, Discord là một nền tảng lưu trữ ghi chú thô tuyệt vời dành cho mình! Bằng cách biết tận dụng một vài tính năng của chúng, mình đã biến Discord thành một nơi lưu không chỉ mỗi ý tưởng tạm thời, mà còn là reading list, gửi ảnh từ thiết bị này sang thiết bị khác – và tất nhiên là danh sách đi chợ.
Discord còn dễ dàng thỏa mãn được ba điều kiện trên bởi tính đồng bộ hóa tin nhắn rất nhanh, truy cập được ở mọi thiết bị, và truy cập được rất nhanh vì nó cơ bản là một ứng dụng dùng để giao tiếp.
Bạn tò mò mình xây dựng Discord làm nền tảng lưu trữ ghi chú thô như thế nào? Mình có video ngay ở dưới đây!
Tuy nhiên, dù nền tảng để lưu trữ ghi chú thô có tiện lợi như nào, mọi thứ đều vô dụng khi bạn không xử lý nó sau đó.
Biết cách và có đủ động lực để xử lý ghi chú thô
Thực ra, bắt được ghi chú thô thì rất dễ, bạn chỉ viết lại nó. Tuy nhiên, đủ động lực và biết cách biến nó thành một ghi chú hẳn hoi trong hệ thống của mình mới là vấn đề.
Không giấu gì, mình vẫn có 2 vấn đề đó cho đến bây giờ:
Lười để xem lại những gì đã lưu
Không biết chuyển hóa ghi chú sau đó.
Mọi người đừng lo, bởi vì đây là vấn đề mà vạn người có, và nó không biến mất (ít nhất là với cái số 1). Không có động lực là một thứ rất bình thường. Chúng ta không giải quyết được vấn đề này. Chúng ta chỉ có ngăn chặn mà thôi.
Để chăm xem lại những gì đã lưu hơn, mình thường sẽ cố gắng xử lý chúng sớm nhất có thể, và chỉ bắt đầu được lưu cái mới mỗi khi đã xử lý xong những ghi chú cũ.
Ví dụ với reading list, mình sẽ không để số lượng bài viết sẽ đọc sau vượt quá 5. Nếu muốn lưu cái mới, mình sẽ phải xử lý cái cũ hoặc xóa đi một cái mình không muốn xem nữa.
Một phương pháp khác thường hiệu quả với mình nhiều hơn đó chính là tiêu thụ/xử lý ghi chú “thô” để còn đi chia sẻ cho người khác.
Ở trong dự án mình làm, cũng như các khóa học HCH#5 hay WOTN#7, đều sẽ có một kênh riêng biệt để mình được chia sẻ những video/ bài viết hay mà mình đọc được. Thường đi đôi với việc chia sẻ đó, mình còn sẽ viết một đoạn tin nhắn chia sẻ cảm nhận cá nhân, cũng như tóm tắt trước bài viết để bạn bè và anh em có thể nắm được nội dung trước khi xem.
Mình nhận ra việc viết với mục đích nhắn tin chia sẻ cho người khác sẽ cho mình động lực và viết tự nhiên hơn rất nhiều. Vì thế, mình cố gắng gắn liền hai hành động đó với nhau. Từ khi đó, việc xử lý ghi chú còn đi đôi với một hành động khác mà mình thích làm: chia sẻ thông tin cho bạn bè.
Để khiến một thói quen bền lâu, bạn phải tìm cách để thích làm nó trước đã.
Để chuyển hóa ghi chú “thô,” bạn có thể sẽ cần để ý hơn với cách mình ghi chú nó. Thay vì chỉ lưu mỗi một câu ý tưởng, bạn hãy dành lại chút thời gian viết thêm vài ba câu để giải thích. Với các bài viết/video cho reading list, bạn có thể xem lướt qua và chọn một key-takeaways hay một đoạn ấn tượng nào đó để lưu lại cho lần sau đọc.
Mục tiêu của việc này là biết cách giúp cho bản thân của “sau đó” khi nhìn lại ghi chú thô sẽ biết chúng được hiểu trong bối cảnh nào, từ đó khiến bạn biết cách xử lý nó dễ dàng hơn.
Cũng giống như triển khai một bài blog. Khi chuẩn bị chủ đề mới để viết cho lần sau, bạn hãy không chỉ viết mỗi tiêu đề hay bố cục, mà còn hãy bắt đầu viết luôn cả 2-3 câu đầu tiên. Điều này giúp khi mình quay lại, mình sẽ hiểu được bối cảnh mình muốn viết và sẵn sàng tiếp tục.
Đừng khiến ghi chú thô ở trạng thái “sẵn sàng để xử lý,” thay vào đó hãy cố gắng để chúng ở trạng thái “tiếp tục xử lý” ngay từ khi ghi chép chúng lại.
Hẹn gặp lại bạn vào ngày thứ 4.
#wotn7 - Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.